Phả “nội lực” vào tác phẩm

Tường Minh

Gặp Nguyễn Viết Thắng ở bất kể cuộc triển lãm mỹ thuật nào cũng thấy anh hiền lành, khiêm tốn, nhã nhặn. Những khi xem tranh và tác phẩm điêu khắc gốm của anh, có thể thấy rõ nội lực sung mãn, những khát khao sáng tạo nghệ thuật khiến ai cũng phải cảm phục.

Nguyễn Viết Thắng
Đường vào bản - Sơn dầu (50x115cm) 2019
(Giải Nhất - Triển lãm Mỹ thuật Hải Phòng 2019)

Nguyễn Viết Thắng
Con sông ở Diêm Điền - Sơn dầu (42x97cm) 2018
(Giải Nhất - Triển lãm Mỹ thuật Hải Phòng 2018)

Nguyễn Viết Thắng sinh năm 1973. Trong cuộc gặp, anh hạn chế nói về mình, nhưng sôi nổi, sâu sắc khi nói về nghề, về môi trường sáng tạo tác phẩm hiện nay. Điều đó có lẽ do bản tính, nhưng một phần có thể do con đường theo đuổi nghệ thuật đứt đoạn mà khoảng mươi năm nay anh mới dành toàn tâm toàn ý cho nó.

Tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc của Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 1997, nhưng đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để kiếm sống, chứ không tập trung vào hội họa. “Ngày nhỏ, tôi yêu thích vẽ, thường theo họa sĩ Quốc Thái đi thực tế sáng tác. Niềm đam mê lớn dần theo năm tháng và là lý do tôi thi vào Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp. Tuy nhiên, sau khi ra trường, hoạt động nghệ thuật không đủ nuôi sống tôi và gia đình, tôi chỉ giữ nghề vẽ và điêu khắc như thú vui riêng những lúc rảnh rỗi”, anh cho biết.

Năm 2007, từ Hà Nội về quê nhà ở Hải Phòng, anh túc tắc làm nghề gốm, nhưng đời sống mỹ thuật lúc ấy khá “trầm”nên cũng không hào hứng tham gia. Đến năm 2012, phong trào sáng tác mỹ thuật của thành phố trở nên sôi nổi. Các cuộc triển lãm được tổ chức nhiều hơn, thu hút đông đảo giới hội họa, điêu khắc từ thủ đô Hà Nội, các tỉnh, thành phố trên cả nước về tham dự. Lúc này, Nguyễn Viết Thắng như con cá đang mắc cạn tìm thấy nguồn nước mới, thỏa sức vẫy vùng. Bẵng đi hơn 10 năm không tập trung làm nghề, những khát khao, đau đáu với nghệ thuật tạo hình bị dồn nén bấy lâu trong thâm tâm anh được giải tỏa, bung ra, khiến anh sục sôi khí thế sáng tạo.

Nguyễn Viết Thắng
Công chúa - Gốm (25x39x59cm) 2016
(Giải C Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng - Hải Phòng 2016)

Từ thời điểm đó, Nguyễn Viết Thắng tập chủ yếu vào chất liệu gốm sa mốt. Các tác phẩm của anh luôn khiến người xem trầm trồ bởi sự khác biệt, lạ và độc đáo ngay từ ý tưởng. Anh tỉ mỉ, dày công sáng tạo nên những tác phẩm được đánh số, như: “Khỉ” từ 1 đến 4, “Ngựa” 1 và 2, “Con dê” 1 và 2...; những tác phẩm nude hiện hữu sống động, hoàn mỹ và cả những bộ tượng gốm, dê, chân dung tự họa. Nhờ đó, anh gặt hái nhiều thành tựu: giải A tại Triển lãm mỹ thuật Hải Phòng 2013 với tác phẩm “Con ngựa”; giải khuyến khích tại Triển lãm nhiếp ảnh và mỹ thuật về đề tài Hoa Phượng và thành phố Hoa Phượng Đỏ năm 2013 với tác phẩm “Cột đèn”; giải C tại Triển lãm mỹ thuật đồng bằng sông Hồng năm 2016 với tác phẩm “Công chúa”. Tác phẩm của Nguyễn Viết Thắng cũng xuất hiện dày đặc trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc (2003), triển lãm dogma về chân dung tự họa (2012), triển lãm Mỹ thuật Hồng Bàng- Hải Phòng 2013, triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc 2013, triển lãm “Gặp gỡ”- Hải Phòng 2014, “Hôm nay và mãi mãi” 2014, triển lãm nhóm “Mùi Tết” tại Hà Nội, mỹ thuật trẻ “Today” Hà Nội 2016...

Nguyễn Viết Thắng
Con ngựa - Gốm sa-mốt - H80cm - 2013
(Giải A Triển lãm Mỹ thuật Hải Phòng 2013)
Nguyễn Viết Thắng
Cột đèn - Gốm sa-mốt - H73 cm - 2012
(Giải Khuyến khích cuộc thi Nhiếp ảnh, Mỹ thuật về đề tài Hoa phượng và thành phố Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2013)

Thành công với sở trường điêu khắc - chất liệu gốm sa mốt nhưng Nguyễn Viết Thắng không từ bỏ niềm đam mê vẽ tranh. Trong 2 năm gần đây, anh tạo bước ngoặt với hai giải nhất tại Triển lãm thường niên mỹ thuật Hải Phòng 2018, 2019. Nói về cảm xúc của mình khi nhận giải, anh không khỏi bất ngờ vì tranh sơn dầu không phải sở trường của mình. Hơn nữa, ý tưởng sáng tạo tác phẩm không “đao to búa lớn” mà chỉ muốn gửi gắm thông điệp về vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên và mong con người hãy chung tay giữ gìn nét hoang sơ, thanh khiết của thiên nhiên. Tuy nhiên, với người lao động nghệ thuật kỹ tính và cầu toàn như Nguyễn Viết Thắng, sản phẩm nào làm ra cũng phải hoàn mỹ, khác lạ, tối giản nhưng gây ấn tượng mạnh về thị giác chứ không rơi vào đơn điệu, nhàm chán. Mà muốn làm được điều này, đòi hỏi kinh nghiệm xử lý, khả năng cảm nhận cái đẹp và tư duy sáng tạo của họa sĩ. Mà như hai họa sĩ Thành Chương, Đặng Xuân Hòa - thành viên Ban giám khảo Triển lãm Mỹ thuật Hải Phòng 2019 đánh giá: “Nguyễn Viết Thắng đưa lối tạo hình trong điêu khắc vào hội họa, tạo ra phong cách riêng trong sáng tác của anh”./.
____________________

Theo Báo Hải Phòng điện tử Thứ Ba, 17/12/2019
____________________
Xem thêm: 

2 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!