Tay mẹ nối đầu rồng

5/6/2013

Nguyễn Hoàng Văn

Chưa thấy nghệ sĩ nào làm xấu quê hương của mình như Phạm Văn Hạng. Cũng chưa thấy nghệ sĩ nào dai dẳng bám trụ cái công việc ngu muội hoá nhận thức thẩm mỹ dân mình bằng nhà điêu khắc ấy, qua hai công trình mang tính dấu mốc của Đà Nẵng, “Mẹ Dũng Sĩ” cứng đờ chỉ lối 1985 và “Cầu Rồng” loè loẹt bê vàng 2013, nghĩa là trải qua suýt soát ba thập niên.




Suýt soát ba thập niên nhưng chỉ nhích nhắc một đoạn đường rất ngắn mà, thậm chí, không đáng mặt là “đường” dẫu chỉ một đoạn thực ngắn. Chỉ lởn vởn, xà quần. Xà quần từ thứ mỹ học “công nông binh trí tiến lên” cho đến “mỹ học nhà đòn”, quan niệm màu mè về cái đẹp theo kiểu ma chay tang tế của mấy bang hội người Hoa.


Có thể thấy ngay cái mỹ học màu mè ấy ở con rồng sắt bò trên cây cầu bắt qua sông Hàn, vàng choé và đồng bóng, nhìn xa như một cái cáng khiêng hòm, một món hàng mã hạng sang hay một thứ vật dụng trang trí phong thuỷ của người Trung Quốc. Nhưng tôi phải nói ngay rằng nhà điêu khắc này không phải là tác giả của mớ hổ lốn ấy. Cây cầu là tham vọng khẳng định mình của đám người khác, đến thế kỷ 21 rồi, trình độ thẩm mỹ vẫn chưa thoát khỏi mỹ học “lân rồng” và phần việc của kẻ mệnh danh nghệ sĩ này, tập trung ở điểm nhấn đầu rồng, chỉ là tiếp tay phụ hoạ.

Nhưng vấn đề là vai trò của người nghệ sĩ. Nếu chúng ta kỳ vọng ở giới trí thức sự dũng cảm của trí tuệ và lương thức qua việc thách thức những chính sách gây hại cho đất nước và nhân quần thì, trong lĩnh vực thẩm mỹ, chúng ta cũng có quyền kỳ vọng tương tự với người nghệ sĩ. Là người, họ phải ngay thẳng với cái chân và cái thiện. Là nghệ sĩ, họ phải tự trọng với cái đẹp. Vạn nhất, không ngăn cản nổi những công trình vừa làm kiệt quệ sức dân, vừa tầm thường hoá nhận thức thẩm mỹ của người dân thì, ít ra, họ phải có sự tự trọng tối thiểu để bất hợp tác, không tiếp tay với những công trình vừa hút kiệt nguồn sống của nhân dân, vừa hoàn toàn hủ lậu và bệnh hoạn về cái đẹp.

Thế nhưng trải dài gần ba mươi năm, qua hai công trình thật tốn kém, nhà điêu khắc mệnh danh “người con đất Quảng” vẫn vậy. Vẫn chưa lớn, chưa thật sự trưởng thành trong tư cách nghệ sĩ mà, tệ hơn, còn lún sâu hơn trong cốt cách “văn công”. “Mẹ Dũng Sĩ” giữa ngã tư Thanh Khê và “Cầu Rồng” ở đoạn giữa sông Hàn. Mẹ đồng, đầu rồng sắt. Mẹ ghép đâu từ gần hai ngàn vỏ đại bác Mỹ, và đầu rồng cũng hàn, cũng ghép, bằng thép, chẳng rõ thép Mỹ hay thép Tàu. Nhưng cả mẹ cả rồng, như là đồng lòng, đều cùng nhìn một hướng.

Đầu tiên là “Mẹ Dũng Sĩ”, một hình mẫu “mẹ đào hầm”. Xưa mẹ đào hầm và mẹ hy sinh rồi, đến lúc đó, 1985, kỷ niệm 10 năm chiến thắng, mẹ vụt đứng lên ở cửa ngõ của Đà Nẵng để chỉ lối soi đường. (Hình mẫu là mẹ Lê Thị Dãnh (?-1968), từ năm 1967 đã đào hầm bí mật trong nhà để nuôi giấu cán bộ nằm vùng. Ngày 21-12-1968, cơ sở bị bố ráp, 7 cán bộ nằm vùng chống trả và thoát ra khu, riêng mẹ hy sinh.
Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng viết về bức tượng: “Sau ngày thành phố Đà Nẵng được giải phóng, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã tạc tượng Mẹ Nhu bằng cách ghép nối hàng nghìn vỏ đạn đồng đại bác của Mỹ. Bức tượng đồ sộ cao hơn chục mét của bà mẹ anh hùng mặt hướng về phía cửa biển Đà Nẵng, trong tư thế đang phất tay ra lệnh ‘tiến lên’, được đặt trên đại lộ Điện Biên Phủ dẫn vào trung tâm thành phố.”) 

Nhưng mẹ, ở đâu, và bao giờ, cũng là... mẹ. Nghệ sĩ phải có khả năng cảm nhận tinh tế hơn người, tinh tế đến mức có thể nghe được cả tiếng cây cỏ bật mầm trong khoảng lặng hiếm hoi giữa hai đợt xung phong ngay trên trận tuyến thì, với mẹ, họ phải thấy được đâu là vòng tay nên đặt chứ? Tay mẹ, dẫu xương xẩu nắng mưa hay êm đềm vị sữa, không nên là cánh tay chỉ hướng. Tay mẹ, nên mở ra, rộng rãi. Tay mẹ, cần khoanh lại, vỗ về. Mẹ rộng mở bao dung và mẹ khép lại chở che, chở che cho cả những đứa con hư lúc thất bại cùng đường huống hồ đây đã chính danh là bà mẹ “Che chở mỗi bước chân con bước”? (Trích từ bài thơ “Đất Quê Ta Mênh Mông” của Dương Hương Ly). Nhưng theo cái mỹ học “tiến lên dưới ánh soi đường”, mẹ cứng đờ chỉ hướng tiến lên. Tiến như những công-nông-binh hùng hục tiến trong những công trình điêu khắc đại trà, những bảng hiệu tuyên truyền cũng rất đại trà: tiến theo hướng phất cán cờ, tiến theo mũi nhọn lưỡi lê, tiến theo đầu ruồi AK-47, tiến với tay súng binh, tay búa công, tay liềm nông và màu mè thêm, là tay sách cùng cặp mắt kính trí. Cứ thế mẹ chỉ.

Nhưng mẹ rất kiệm lời, chỉ đẫn đờ đưa tay về biển. Oái ăm thay, theo hướng mẹ, lớp lớp đàn con âm thầm và hồi hộp dắt díu nhau ra biển, dẫu dắt díu trong đớn đau ray rứt với ý nghĩ một đi không trở lại, cơ hồ chỉ thấy mỗi “thắng lợi” ở tận bên kia biển. Rồi thì đàn con thầm lặng, không ít đứa, đã nhởn nhơ ngược hướng, lăng xăng nhăng nhít với những “thắng lợi” mang về. Rồi thì những mẹ khác, bằng xương bằng thịt, cũng từng là “mẹ đào hầm”, lò dò lặn lội những bước chân ngược hướng theo từng chặng hành trình oan ức. Chỉ có cái đầu Rồng thời thượng, chỉ cái đầu loè loẹt này là theo mẹ để ngóc nhìn cùng một hướng.


Cái đầu Rồng nhìn lên lưng lửng là phần “nghệ thuật” nhất của công trình xây dựng tốn kém theo tham vọng chứng tỏ mình và lưu dấu đời sau, thứ tham vọng để cung phụng cho cái nhu cầu “khẳng định mình” trong quan niệm thẩm mỹ “sơn son thép vàng”. Phong cách “kinh bang” không khá. Cảm quan thẩm mỹ cũng không khá. Gắng gượng khẳng định mình bao nhiêu đi nữa kết cuộc cũng chỉ là một thứ sản phẩm chắp vá nên, dẫu đã vẽ vời bằng những khẩu hiệu rung trời với mục tiêu “biển lớn”, chỉ mới vượt một con sông không lớn lắm thôi, con rồng mỏng manh đã hụt hơi, tận sức.

Rồng, không tiến ra biển nổi mà, cơ hồ, phải bám trụ, ở bờ Đông sông Hàn.

Bờ Đông của một thời là An Hải, làng chài, còn được thi vị hoá trong vài cái tên là Đông Giang. Bờ Đông của một thời chiến tranh là đất của dân tản cư, của những trại lính, của những snack-bar, của gái điếm và của cô hồn các đẳng. Bờ Đông của thời bình, lúc mẹ đứng lên ở Thanh Khê chỉ lối, từng bị dè bĩu trong cái nhìn trịch thượng của những thị dân bờ Tây như là “Quận 3”, đất “nhà quê”, thứ đất của thứ dân chài và những thị dân hạng hai nửa quê nửa tỉnh. Nhưng rồi thì bờ ấy cũng đổi đời như một mảnh đất bê vàng để “rồng” - ví như một biểu tượng “tinh hoa” - bị lụy bờ, sụm xuống. “Khát vọng hoá rồng” đã bị nhấn chìm trong ma lực bê vàng.

Không ai có thể đưa ra một dự phóng chính danh là “khát vọng” khi ngang tàng chà đạp lên sức người và sức đất nhưng đó lại là những chuyện mỉa mai rất thực. Một dải biển dài đã bị “ngăn sông cấm chợ” và những resort hạng sang nối tiếp mọc lên, san sát. Dân chài đang mất biển và những thị dân, nửa quê nửa tỉnh hay toàn phần là tỉnh, cũng bị mất biển: không được sống bằng biển quê hương, họ cũng không được tắm cả biển của quê hương. Sức dân và sức đất đã bị chà đạp, thế nên “rồng” cứ là yếu ớt mỏng manh, không thể bay ra tới biển. Nhưng dù không là như thế, dù mãnh liệt và vũ bão, dù hừng hực khát vọng thì rồng vẫn là... rồng. Chúng ta có thể nói thao thao bất tuyệt về con rồng thời Lý, thời Trần hay thời Lê; và có thể bơm thổi cho rồng vàng “tiến ra biển lớn”.

Rối ren và bi đát hệt tình cảnh mà những thế hệ như Phan Chu Trinh đã đối mặt khi thức tỉnh ra rằng, để cứu lấy mình, tộc Việt phải tự “đả phá” lấy chính mình: ngày nào còn tiếp tục nhai lại những giáo điều đã học của ông thầy Tàu, như là một sản phẩm của thực dân cũ, ngày đó tộc Việt không thể nào mạnh lên để thoát khỏi ách thực dân mới, không thể “ngửng mặt nhìn năm châu bốn bể”. Và chính sự thức tỉnh này đã mở lối cho cuộc vận động “chấn hưng dân khí và dân trí” nhằm đục bỏ sự nô lệ về tinh thần để xây dựng một ý thức quốc gia mới.

Tôi vẫn nhớ như in nét mặt của điêu khắc gia kiêm hoạ sĩ Lê Thành Nhơn, cách đây mười mấy năm, trong một lần họp mặt tại nhà của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc. Lê Thành Nhơn say sưa nói về một ý tưởng sáng tạo mà, cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, anh vẫn không có cơ hội thực hiện: một hình khối nửa người nửa đá, hai tay vung ra, tay đục và tay búa, dùng chính sức của mình đục nên hình vóc của chính mình.

Tác phẩm chưa thành của con người tài danh sống hết mình cho nghệ thuật, cơ hồ, cũng là giấc mơ chung bất thành sau bao thế hệ. Bởi vượt qua kiếp đá, vươn lên thành người, hiểu trong hoàn cảnh của chúng ta, là “mạnh lên”, là “ngửng mặt nhìn năm châu bốn bể”. Kể ra thì đó cũng chính là điều gói ghém trong khẩu hiệu “Tiến ra biển lớn” khi ngụ ý ước vọng thoát khỏi hoàn cảnh nhược tiểu để hoà nhập với thế giới như một sân chơi bình đẳng. Và đó vẫn tiếp tục là một giấc mơ xa vời khi “dân trí” và “dân khí” chưa được “chấn hưng”.

Để dân tộc vượt qua thân phận yếu hèn, để “ngửng mặt nhìn năm châu bốn bể”, thì từng cá nhân phải ngửng mặt sống như những con người. Phải vượt qua cái tâm lý nhẫn nhịn và thích nghi trường kỳ, phải vung đôi tay của mình lên đục bỏ những căn tính nô lệ đã kết tủa trong chính não trạng của mình. Công việc lớn lao đó đòi hỏi sự góp phần của người nghệ sĩ bởi, nếu không nâng được cảm quan của công chúng về những giá trị chân thiện mỹ lên thì, ít ra, họ cũng không thể cam tâm dìm nó xuống, không thể cam tâm bắt tay hợp tác với những trò mỵ dân cực kỳ hao tổn tài nguyên nấp dưới cái bóng nghệ thuật.

Mà tự thân người nghệ sĩ cũng vậy. Phải tự vung tay lên để tự tạo lấy hình vóc và tầm cỡ của mình hay ít ra là để tự giải thoát cho mình. Ngoan ngoãn đục đẽo tô nắn theo ngón tay duy ý chí thì, dù thực hiện hết công trình “phì đại” này đến công trình “phì đại” khác, trọn kiếp người nghệ sĩ cũng chỉ “tròn kiếp văn công”. Làm những tác phẩm minh hoạ càng đồ sộ và hoành tráng theo cuồng vọng khẳng định mình của những kẻ khác, thì tư cách nghệ sĩ  càng bé lại, choắt lại, co rúm trong vòng khép của đôi tay cơ hồ hoá đá. Con tim, khối óc còn tệ hơn, không đáng mặt là đá mà, xét cho cùng, chỉ là một nhúm đất bạc màu.

Đà Nẵng - Sydney 1.6.2013
-------------
Theo: http://Tienve.org


Cùng chủ đề:

6 nhận xét:

  1. Bạn đọc9/6/13

    Cái gì đã rồi thì đã rồi. Nếu có ý Voi xin mời đi trước. Hiềm một nỗi...ai chả muốn mình thế này...thế kia
    Suy cho cùng, không nhất quán với tác giả rồi.?
    Vậy xem có ý kiến gì hay hơn không/?
    Hay là chỉ nói xong rồi để đó/
    Thật là phúc tap/
    Nghệ sỹ không mấy khi tôn trọng tác phẩm của nhau nhể /?

    Trả lờiXóa
  2. Người dân9/6/13

    Cái gì hay thì nói là hay, cái dở bảo là dở. Qua rồi cái thời ca tụng nhau giả dối.

    Trả lờiXóa
  3. Võ Khánh Long9/6/13

    Rất hay, các nghệ sĩ (đặc biệt là các nhà điêu khắc công trình nên đọc) thấy bóng mình trong đây không.

    Trả lờiXóa
  4. Dương Hiền Khuất9/6/13

    Nếu ai đã từng tham gia vào các công trình tượng đài sẽ hiểu được bản chất vấn đề. Sự bán mình là điều không tranhs khỏi ! ! !

    Trả lờiXóa
  5. Thẩm mỹ các công trình rất quan trọng, nó không thể làm đẹp tất cả mọi người, nhưng phải là cơ bản

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!