Triển lãm "Chiến tranh và hòa bình" của họa sĩ Quốc Thái

Khai mạc 16h ngày 28/4 và kéo dài đến đến hết 9/5/2019 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).


“Chiến tranh & Hòa bình” với giám tuyển họa sĩ Lê Thiết Cương là triển lãm mang tính chất tổng kết gần như toàn bộ cuộc đời và sáng tác của họa sĩ đất Cảng Nguyễn Quốc Thái, sau 4 lần triển lãm cá nhân có tính khu biệt trước đó của ông. 

Tem của họa sĩ Quốc Thái
Khoảng 90 tác phẩm trưng bày trong triển lãm, kèm theo cuốn sách cùng tên (tuyển tập gần 150 ký họa, tem, tranh, minh họa, bìa sách họa sĩ sáng tác từ 1966 đến 2017) cũng được ra mắt lần này.
Với đủ chất liệu (chì than, bột màu, màu nước, tranh lụa, sơn dẩu), các sáng tác của họa sĩ Quốc Thái không giới hạn đề tài (chiến tranh- hòa bình, chân dung, phong cảnh, tĩnh vật…), dù đơn sắc hay đa sắc cũng đều thể hiện rõ nét tâm hồn ông với tình yêu đất nước và lòng nhân hậu khi đứng trước đời sống.

Bến cảng (1966) - Màu nước của họa sĩ Quốc Thái
Hải Phòng 1972 hiện lên qua nét vẽ của họa sĩ Quốc Thái như một cuốn nhật ký bằng tranh, vừa mới xảy ra: "Tội ác của giặc Mỹ ở khu Thượng Lý- Hải Phòng đêm 15/4/1972"; "Bến phà Bính sau khi giặc Mỹ bắn phá ngày 16/4/1972"; "Tội ác của giặc Mỹ đánh phá nhà máy xi măng Hải Phòng 1972"…

Phố Phạm Hồng Thái sau trận bom (1972) - Ký họa chì than của họa sĩ Quốc Thái
Người xem có thể thấy đầy đủ trạng thái của một vùng đất qua thời gian, thông qua những tác phẩm họa sĩ Quốc Thái ghi lại: phá hủy- hồi sinh, trắng đen- rực rỡ, xáo động- êm đềm, nghiêm trang- phóng khoáng,… đã cất trữ trong mình sinh lực sống dồi dào, khỏe khoắn, rộng rãi, khí chất mà ở những triển lãm trước không thể hiện hết được.
Ở đó chiến tranh hiện lên những gam nâu, trắng, đen với tường nhà đổ nát, cầu gẫy, phà đứt, cây trụi bất kể đêm, ngày, bất kể khu vực (phố, chợ, nhà máy,…) nhưng cũng đồng thời tư thế: Sẵn sàng chiến đấu 1972, Vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu 1973 của những con người vùng cửa biển. Tinh thần quyết liệt, sẵn sàng của Hải Phòng 1972 là sự tiếp tục hào khí trước đó của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu với Thực dân Pháp nhằm bảo vệ độc lập dân tộc và được duy trì trong cả thời bình lao động sản xuất xây dựng đất nước sau đó.
Cũng như rất nhiều họa sĩ thế hệ ông, khi vẽ những bức tranh đầu tiên không ai nghĩ đến chuyện làm triển lãm. Đến khi đã có một vài triển lãm cũng chưa vội bằng lòng, quên đi niềm yêu thích được vẽ của mình.

Họa sĩ Quốc Thái đã vẽ không ngừng nghỉ trong suốt đời, mong muốn làm một cuộc triển lãm tổng kết cuộc đời mình được sống, nhưng ở triển lãm lần này, ông không còn đủ sức khỏe để lo liệu cho ấp ủ đó. Ông bị tai biến hơn 1 năm nay.
Tuy nhiên triển lãm không phải là một chiếu cố, cũng không phải để an ủi tác giả, người xem có thể chậm rãi xem từng bức tranh để cảm nhận lấy tinh thần sống và tình yêu quê hương đất nước của người họa sĩ- bằng màu, bằng bút, bằng sự chân thành vẽ lên trái tim mình.
Cẩm Tú
Họa sĩ Quốc Thái - Phố Tam Bạc  - Bột màu (27x35cm) 1991

Họa sĩ Quốc Thái - Cầu Thê Húc - Bột màu (40x48cm) 1992

Họa sĩ Quốc Thái - Đầu xuân đi lễ chùa - Bột màu (40x50cm) 1993

Họa sĩ Quốc Thái - Đảo Cát Bà - Lụa (60x75cm) 1997

Họa sĩ Quốc Thái - Bến sông - Bột màu (62x75cm) 1997

Tranh cổ động của họa sĩ Quốc Thái

Tranh cổ động của họa sĩ Quốc Thái
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái: sinh năm 1943 tại Hải Phòng; Tốt nghiệp khoa Hội họa năm 1982, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội; Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam; Hội viên hội Mỹ thuật Hải Phòng; Huy chương "Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam"; Giải nhì bộ tem quân đội năm 1972; Giải nhì bộ tem về Đảng cộng sản Việt Nam năm 1976; Giải nhất tranh cổ động năm 1976; Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm và giải thưởng Hoa phượng đỏ các năm 1990, 1991, 1992, 1994, 1995; Giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng - Hải Phòng 2016; Có tranh lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

3 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!