Như Bình
Tôi đã nghĩ Đặng Tiến như một thiền sư, và tranh của anh như những bản nhạc thiền.
Quen với Đặng Tiến rất lâu, xem tranh của anh nhiều rồi nhưng tôi chưa từng viết được một dòng nào về anh cho dù tôi "mê" tranh và phục tài của anh kinh khủng. Có lẽ, tôi đã nhìn thấy một Đặng Tiến khác mà chưa thể gọi được tên.
Có rất nhiều con đường, có nhiều cách để chúng ta mang đam mê của mình cùng mộng ước trở thành một người vẽ. Nhưng trong vô vàn những người làm nghề họa sĩ, anh là ai, bảng định danh gell hội họa của anh ở đâu, nó nói lên điều gì mới là điều quan trọng.
1. Tôi đã nhìn thấy một Đặng Tiến khác, tôi muốn gọi Đặng Tiến theo cách riêng của mình. Nhưng có lẽ chỉ đến khi tôi thực sự bước vào thế giới của vẽ, ở đó tôi bắt đầu quá trình học tập, thực hành để tìm nơi an trú của tâm hồn mình, tôi mới nhận ra, thực chất học vẽ là học thiền, vẽ là một quá trình hành thiền rất tập trung, rất sâu. Tôi gọi đó là thiền tranh, và tôi gặp được thiền ở vẽ.
Và thú thực cũng chưa có một bộ môn nghệ thuật nào mà khi chạm đến, ta có cảm giác được trút bỏ hết mọi ràng buộc, trút bỏ hết mọi rào cản để tự do bay vào vũ trụ sáng tạo như là hội họa. Và tôi cũng đã nhận ra bạn tôi, một Đặng Tiến khác, anh thực là một thiền sư, xứng đáng là thiền sư viết những bài thơ tranh bằng tâm cảm thiền...
Phát hiện ra vẽ tranh chính là thiền tranh khiến cho tôi vô cùng thích thú và không ngừng tìm hiểu. Trong quá trình hành thiền vẽ, tôi đã có những buổi thực hành rất sâu bằng những tranh luận trao đổi với một số họa sĩ trong đó họa sĩ Đặng Tiến, một trong những họa sĩ Việt Nam tự học, có nhiều thành công trong sự nghiệp hội hoạ từ con đường tự học.
Tôi muốn tặng riêng họa sĩ Đặng Tiến tên gọi thiền tranh cho công việc hiện tại của anh. Một phần vì ngắm tranh của Tiến, đi sâu vào thế giới tâm hồn của anh tôi chạm thấy một thế giới của thiền. Ở đó, trong mênh mông và sâu thẳm thế giới tâm cảm, tâm hồn của người họa sĩ hát lên những giai điệu của khúc hoan ca run rẩy bằng sắc màu. Ở đó người họa sĩ tuyệt đối thuyết phục người khác, chạm khắc vào tâm hồn người khác bởi những vẻ đẹp mà anh ta tái hiện.
Tranh của họa sĩ Đặng Tiến đẹp lạ. Không ồn ào náo nức, không gây ấn tượng bởi sự khác biệt, hay sự cách tân ở hình thức thể hiện. Không trìu tượng, ảo diệu, không rối rắm sắc màu. Nếu nhìn lần đầu với con mắt thờ ơ ít chăm chú, có thể ta sẽ đi lướt qua những bức tranh của Đặng Tiến rất nhanh. Nhưng, đừng đùa, trong cái đơn sơ bình dị có phần thân thuộc ấy là tâm hồn tinh tế và nhiều rung động của Tiến. Nó như một vệt sáng ám ảnh vào trí nhớ của ta.
Để gọi tên thế nào về sự ám ảnh đó là rất khó, bởi bản thân nó không hề rõ rệt. Tranh của Đặng Tiến không đập vào thị giác người xem bởi sự rõ rệt của ấn tượng. Nó là hồn, là cảm, là những tiếng gọi khẽ khàng mà có sức lay động.
Nó là những khung cảnh như bến vắng, những cái cây mảnh khảnh trổ hoa xuân, ngôi nhà chiều biển động, hay những tĩnh vật hoa với những loài hoa khờ dại như hoa cải, hoa bèo (hay còn gọi là lục bình) gây xúc động người xem bởi những vẻ đẹp nao lòng. Để rồi người xem tranh của Tiến chợt đi qua những cảnh thức ấy, như thờ ơ, nhưng rồi vẫn phải giật mình ngẩn ngơ ngoái lại như vừa đánh rơi hay vừa bỏ quên thứ gì đó đẹp đẽ....
Tranh của Tiến như những mảnh ghép của cuộc sống thường nhật, dung dị và hiền hoà. Những vẻ đẹp của đời sống thật nảy nở từ cuộc đời vất vả an nhiên này mà anh thu nhặt được trên đường đời. Đó là những vẻ đẹp dễ khuất lấp trong xô bồ hiện đại.
Những vẻ đẹp dễ "ngàn năm đi lạc" (chữ của Nguyễn Quang Thiều). Đó là vẻ đẹp của rặng phi lao trên cát mùa đông.... Ai thấy được phi lao đẹp đến thế chứ. Đẹp đến thương, đến nao lòng ở những làng quê ven biển nghèo khó và khắc nghiệt bởi thiên nhiên. Đó là vẻ đẹp ngàn năm đi lạc của hoa bèo tây trên hồ, đẹp tím rịm những ngày tuổi thơ nghèo khổ và đói rét lội nước ngang bụng vớt bèo băm cho lợn ăn.
Đặng Tiến tái hiện trong tranh của anh cả cái ký ức tuổi thơ thương khó của một thế hệ người Việt sinh ra trước năm 1975 vất vả và cơ cực. Đặng Tiến giúp người khác sống chậm lại, đánh thức trong tâm hồn cằn cỗi và mỏi mệt của họ những vẻ đẹp mà vô tình ta đã rời xa quá lâu...
Để rồi một ngày vô tình bắt gặp lại trong tranh của anh. Đó là con đường với rặng xoan mùa hoa tím, là buổi "Chiều ở làng Kiều Hạ", hay chỉ là một "Đoạn đê ở làng Kiều Hạ", "Nắng xuân ở Mường Hịch", là "Tháng giêng ngoại thành", là "Sương sớm", hay "Nắng Xuân" với vẻ đẹp của vườn chuối bên cạnh cái ao ở làng....
Là những hàng cây mảnh khảnh chiều đông, một "Quán nước ven đường", một "Con đường nhỏ". Những phong cảnh của đời sống thường nhật và dung dị xiết bao.
Bằng một tâm hồn mẫn cảm với cái đẹp như Đặng Tiến anh sẽ không bao giờ bỏ qua nó. Đặng Tiến sẽ là người tỉ mỉ, kỹ lưỡng thu nhận nó vào hành trang của anh, vào tâm hồn anh và đến một lúc nào đó, khi tự do trước giá vẽ, anh sẽ lần lượt gọi những vẻ đẹp ấy trở về. Anh sẽ miệt mài tái hiện những vẻ đẹp đấy, lưu giữ nó vào bộ nhớ, và định dạng nó bởi hội họa.
Đặng Tiến đã giữ lại thay chúng ta về cái đẹp mong manh dễ biến mất của đời sống vốn cuộn chảy.... những vẻ đẹp ấy, thay vì để chúng biến mất trong dòng chảy thác lũ của đời sống, anh đã khắc họa giùm ta, đặt nó vào ký ức của ta giữ lại giúp chúng ta một niềm xúc động thẳm sâu nhất...
Nhiều người nói không ngưng xúc động khi xem tranh của Đặng Tiến.
Tranh của Đặng Tiến có một sức hút mê hoặc lòng người.
2. Cái đẹp đôi khi không thể gọi tên, không diễn tả bằng lời, nhất là trong hội họa. Cái đẹp nó là sự gợi, là ám ảnh vào thị giác, nó gây sửng sốt ngạc nhiên, hoặc là dâng lên một nỗi xúc động ngập tràn.
Nó níu kéo ta, nó ở lại trong tâm hồn và trí nhớ của ta, và nó khiến cho ta lưu luyến mãi hình ảnh ấy, giữ mãi hình ảnh ấy. Nó khiến ta không chia tay nổi, dẫu ta đi qua nó, bước qua nó có thể đã xa lắm thì cái đẹp vẫn ở lại lẩn khuất trong tâm trí ta, đánh thức và giày vò tâm trí ta bởi những xúc cảm ngọt ngào.
Tranh của họa sĩ Đặng Tiến cho tôi cảm giác ấy.
Thì ra sức mạnh hội họa vĩ đại hơn ta tưởng. Sức lan toả và sự ảnh hưởng của hội họa là vô tận, là mạnh hơn những gì ta cảm nhận được. Khi tôi bước chân mon men đến học vẽ tôi mới hiểu hội họa có sức thu hút mạnh mẽ và mê đắm đến thế nào.
Hội họa chưa bao giờ là muộn với những ai muốn khám phá và tìm kiếm bản thân. Hội hoạ sẽ giúp chính chúng ta trong hành trình tìm kiếm tự do, tìm kiếm bản ngã và giúp chúng tìm lại những vùng miền cảm xúc tưởng là ngủ vùi sâu nhất, hoang vu nhất trong tâm thức.
Không có gì lạ nếu Trịnh Công Sơn, Văn Cao vẽ như viết nhạc, hay viết nhạc như vẽ tranh. Hay Van Gogh Picasso thà chết trong nghèo đói để được vẽ... Mỗi một bức tranh của những họa sĩ lớn, nó như là những cuốn sách thơ kể chuyện đời, ở đó, ta lạc bước vào thế giới của họ và đọc những bài thơ sâu sắc về cuộc đời.
Ở đó, họa sĩ như một thiền sư, họ chính là thiền sư hát lên những khúc hoan ca về niềm vui, hay nỗi buồn vô tận. Nhưng dù là nỗi buồn, sự bất hạnh, hay đau khổ thì vẫn là nỗi buồn đẹp, mất mát đẹp. Cái đẹp ít khi mang một gương mặt hớn hở. Cái đẹp đôi khi là những giọt nước mắt như sương sớm chắt ra từ nỗi đau còn đọng lại từ ngày hôm qua...
Nếu đủ ham ước về một đời sống tĩnh lặng và an nhiên, hãy ngồi xuống giá vẽ và bắt đầu quá trình tìm nơi an trú của riêng mình. Vẽ chính là thiền. Một quá trình thiền tranh, ở đó ta đang làm thơ bằng một hình thức khác ngoài ngôn ngữ.
Bản chất của ngôn ngữ còn có những ràng buộc, những rào cản, những giới hạn. Còn đường nét và màu sắc là vô giới hạn... Ở đó ta như bước vào một vũ trụ không có đường biên, không có những rào cản, những kiểm soát.... Ở đó ta hoàn toàn tự do vô đối với chính mình...
______________________
Theo: An ninh thế giới online
- Ký họa chân dung của họa sỹ Đặng Tiến
- Đặng Tiến - Tác giả và Tác phẩm
- Tranh Đặng Tiến (Quang Việt)
- Vẻ đẹp của sự lụi tàn đôi khi ám ảnh ghê gớm (Tô Chiêm)
- Lặng thầm Hải Phòng (Phan Thiết)
- Họa sỹ Đặng Tiến - Những trầm tích thời gian (Việt Hà)
- Họa sỹ Đặng Tiến - Những gánh nợ nhân gian (Việt Hà)
- Tôi và thời gian (Ngô Hương Sen)
- Tình Đặng Tiến (Ngô Hương Sen)
Kiệt tác của tác giả
Trả lờiXóaNhững kiệt tác của Đặng Tiến thật tuyệt vời, có một không hai
Trả lờiXóaRất chính xác
Xóa