Trong ngõ hẹp và ẩm ướt

ĐỖ BÍCH THÚY
Chuẩn bị đón năm Canh Tý nên tầm tháng Chạp này, nhiều họa sĩ đã tưng bừng cảm hứng vẽ chuột.

Tranh chuột của họa sĩ Đặng Tiến

Đây là một trong những bức tranh vẽ chuột mà tôi thấy thú vị nhất. Chuột của họa sĩ Đặng Tiến. Anh hiện sống và sáng tác tại Hải Phòng. Khi tôi nhìn thấy bức tranh này, tôi nói với anh rằng tôi thấy rất hứng thú với nó. Một con chuột béo lấp lú, ì ạch nặng nề nhưng vẫn đầy đủ cái vẻ tinh quái của một con chuột già, đầy kinh nghiệm đối phó với những cái bẫy và có lẽ đã trải qua vô số những cuộc đấu tranh xương máu để sinh tồn. Vừa gian xảo vừa thông minh, ra vẻ khiêm nhường nhưng đầy oai vệ, một con chuột như thế, hẳn là sống ở thành phố. Viết đến đây tự dưng phải bật cười.
Tôi đã từng có những năm tháng sống trên một con phố cổ của Hà Nội, trong một ngôi nhà được xây từ thời Pháp thuộc. Một số nhà nhưng có đến ba hộ sinh sống. Mỗi hộ đều đã trú ngụ hơn nửa thế kỷ, đủ để các cặp vợ chồng sinh con, nuôi con lớn, dựng vợ gả chồng, có cháu, thậm chí có cả chắt. Nhưng vẫn chưa ăn thua với tuổi của ngôi nhà, con phố, và những cái ngõ. Bên trái, bên phải ngôi nhà đều có ngõ đi sâu vào trong. Hẹp và tối, và ẩm ướt. Quanh năm ngày tháng lép nha lép nhép vì không có một tia nắng nào, và vì nước từ những đường ống cũ kỹ luôn rỉ ra. Cả nước sạch lẫn nước thải. Đấy là môi trường sống lý tưởng của lũ chuột.
Chúng tôi có một cửa hàng nhỏ. Ở Hà Nội, nhà nào buôn bán cũng có một ban thờ kê dưới sàn nhà, thờ ông thần Tài. Ông thần Tài này nghe nói xuất thân từ Trung Quốc, thế nên ông ấy thích ăn bánh bao. Là tôi cũng nghe mấy cụ già nói thế. Cứ cúng bánh bao là ông ấy thích nhất. Nhưng cúng bánh bao thì cũng phải thọ lộc, chứ chả nhẽ bỏ đi. Mà ngày nào cũng ăn bánh bao thì không nuốt được. Thế nên nhà tôi chỉ cúng bánh bao vào rằm, mùng một, còn thì thường là hoa quả.
Có một lần, trên ban thờ có nải chuối tiêu. Vì chuối mua từ lúc còn xanh nên cứ để đấy, sáng sáng thắp ba nén nhang. Chuối cũng nhờ khói nhang mà chín nhanh hơn. Cho đến một buổi sáng, thấy nải chuối đã vàng ươm, tôi mới nhấc ra để đổi hoa quả khác, thì ôi thôi, cả nải chuối chỉ còn đúng… những cái vỏ. Một con chuột nào đó tinh khôn đến nỗi khoét hết sạch ruột của cả nải chuối, và để nguyên hình thù những cái vỏ. Nhìn đằng trước không ai phát hiện ra là toàn bộ nải chuối đã rỗng sạch ruột.
Một chiến dịch tiêu diệt con chuột mà bà bác nhà tôi bảo là từ thuở bé chưa gặp bao giờ, được phát động. Đầu tiên là đánh bả. Bát cơm trộn thuốc chuột cả đêm không mất hạt nào. Thôi bỏ, bẫy vậy. Nhưng cũng chả ăn thua. Cái bẫy hình chữ nhật, nan sắt, bên trong gài miếng thịt, cứ im lìm nằm đấy, ba ngày còn nguyên… cái bẫy, thịt thì không. Lại đổi phương án khác. Dùng keo dính chuột. Cái vỉ keo dính đến nỗi tôi nghĩ trẻ con dẫm chân vào cũng không có cách nào rút ra chứ đừng nói là chuột. Miếng thịt bò nướng cháy cạnh thơm lừng được dính vào giữa. Từ vị trí đấy ra đến hết mép bìa dán keo chắc chắc là dài phải gấp rưỡi chiều dài của một con chuột đại. Tức là, kiểu gì muốn ăn miếng thịt thì nó cũng phải dẫm chân vào, và chắc chắn keo sẽ dính chặt. Cả nhà phấp phỏng suốt đêm đợi nghe tiếng chuột kêu cứu. Nhưng lặng như tờ. Sáng hôm sau, miếng bìa đầy keo vẫn còn, nhưng miếng thịt thì… biến mất. Bảy con người trong ngôi nhà 16m2 phố cổ nhìn nhau không biết nói gì.
Từng ngày, từng ngày một, con chuột dường như thành tinh ấy qua mặt tất cả người lớn trẻ con trong nhà, oánh chén những gì có thể oánh chén được, và không thèm rụng một sợi lông.
Chúng tôi chịu thua nó thật. Rồi đến một ngày bỗng con chuột biến mất như chưa hề tồn tại. Tất nhiên nó vốn cũng chỉ tồn tại bằng những dấu tích phá phách chứ chưa ai nhìn thấy bóng dáng nó to nhỏ thế nào. Ấy là khi bà nội của lũ trẻ sang nhà con gái ở.
Hóa ra ngày nào cũng vậy, bữa sáng cũng như bữa trưa, bữa tối, bà lão 90 tuổi đều gom thức ăn thừa, cơm thừa, và đổ ra ngay chân cái cửa ngách, vốn dĩ nó mở ra ngõ, nhưng giờ thì được ngăn lại bằng một cái cửa sắt rỉ sét, khóa chặt. Bữa nào bà cũng đổ một ít thức ăn ra cái chân cửa sắt nửa kín nửa hở ấy. Cháu bà, tức con gái bé của tôi, hỏi bà đổ làm gì? Thì bà bảo, gạo là ngọc của trời, đổ ra thùng rác là có tội. Thế nên bà đổ ra đây cho… chuột nó ăn kẻo phí. Con chuột được hưởng lộc giời ấy có lẽ khi bà đi vắng đã bỏ đi, vì mất nguồn thức ăn béo bở. Chắc vậy.

Tranh chuột của họa sĩ Đặng Tiến

Trở lại con chuột trong bức tranh này của họa sĩ Đặng Tiến, nó gợi ra toàn bộ cái cảm giác vừa bực bội, vừa buồn cười, vừa ngạc nhiên trong ký ức của tôi năm nào. Trong khi thân hình tròn ủng béo ú, thì cái đầu vẫn rất bé. Cặp mắt đen nhánh, mõm nhọn, râu dài, đuôi thì đặc biệt dài. Nhưng dường như phía sau cái vẻ tinh quái, ghê gớm ấy lại có gì đó hoang mang, bất an và tràn ngập một cảm giác cô đơn giống loài. Một loài vật suốt cuộc đời từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, rất có thể chết bất đắc kỳ tử có khi chỉ sau một nhát chổi, tuổi thọ không con nào tính được, và là kẻ thù của loài người, có khi nào chúng nghĩ về ý nghĩa của sự tồn tại không nhỉ? Nhất là lũ chuột sống ở thành phố, trong những khe kẽ chật hẹp tối tăm bẩn thỉu ẩm ướt. Sự ngột ngạt của một đô thị đông dân vây bủa cả loài chuột. Đôi khi, và hầu như, người lớn trẻ con ở những khu phố cổ đã quên sạch những câu chuyện dí dỏm về chuột, hay bức tranh dân gian Đám cưới chuột. Con chuột từ khi nào đối với trẻ con thì đáng sợ, đối với người lớn thì đáng ghét, tới mức nghĩ đến đã muốn đập cho một nhát?
Bức tranh này khiến tôi nhớ đến hình ảnh của bà lão 90 tuổi, tóc trắng tinh búi gọn trên đầu, quần sa tanh đen, áo bà ba phin nõn màu vàng nhạt đã cũ, một tay bám cửa sắt để đứng dậy, tay kia cầm cái bát ăn cơm. Lần nào thấy bà lúi húi tôi cũng hỏi bà làm gì đấy, bà đều lầm bầm trả lời theo cái cách của bà, tức là trả lời mà không muốn người hỏi hiểu được là bà nói gì.
Giờ thì bà đã đi xa lắm rồi, ngôi nhà cũng đổi chủ. Thảng hoặc tôi ngang qua, những con ngõ hẹp vẫn tối tăm y như thế. Thêm vài viên gạch vỡ, thêm mảng tường tróc lở. Trong cái ngột ngạt, ẩm ướt hun hút ấy tự dưng lẩn thẩn nhớ những chuyện chẳng đâu vào đâu và dấy lên một niềm thương mến kỳ lạ.

________________________________
(Theo báo Nhân dân điện tử 27/12/2019)

2 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!