Đánh thức!

Tuyết Lan Trần

Ngắm tranh Đặng Tiến nhiều đâm nghiện. Và nghiệm ra, cái sự nghiện ấy chả ngẫu nhiên. Bởi tranh Đặng Tiến dù chân dung, phong cảnh hay tĩnh vật, dù mầu điềm đạm hay dã thú đều làm ấm, làm sang lên rất nhiều những không gian quanh đó. Những bức tranh đã soi rọi ánh sáng tới sâu thẳm trái tim, đánh thức những tình cảm đẹp, những tinh thần tươi mới. Ngắm tranh anh, ký ức dội về hay khát vọng xa xôi, đều tuyệt cả!

Họa sĩ Đặng Tiến

Nghệ sĩ ở con người. Tác phẩm là cái bóng. Có nghệ sĩ nào không tinh tế, phức tạp. Nên muốn cảm nhận tác phẩm trọn vẹn, người xem cần hiểu ít nhiều về tác giả. Cũng như với âm nhạc cổ điển, muốn mê đắm hãy tìm hiểu sâu xa còn nếu chỉ sam sưa hời hợt thì những tinh hoa bậc nhất cũng mãi chỉ là sự thích thú lớt phớt.
Và để hiểu Đặng Tiến, tác giả và tác phẩm, tôi chọn cách hỏi để nghe những quái kiệt trong làng mỹ thuật nói về Đặng Tiến. Hoạ sĩ, nhà phê bình Mỹ thuật Lương Xuân Đoàn, hoạ sĩ Thành Chương, hoạ sĩ Đặng Xuân Hoà và hoạ sĩ, nhà giám tuyển nghệ thuật Trần Lương. 

Đặng Tiến - Nắng Xuân Mường Hịch - Sơn dầu (100cm x 100cm) 2018

   Khởi đầu là hoạ sĩ, nhà phê bình Mỹ thuật Lương Xuân Đoàn, ông hiện đương giữ cương vị người trụ trì ngôi đền Mỹ thuật Việt Nam. Khi tôi hỏi, nhắc đến cái tên Đặng Tiến, ông nghĩ tới điều gì? Ông nói:
   -5,6 năm nay mỹ thuật Hải Phòng tươi tắn hẳn lên nhờ có cái tên Đặng Tiến. Thay vì trước đây nhắc tới Hải Phòng chỉ có một số tên tuổi đã đóng khung thì nay rộn ràng nhiều gương mặt mới ham nghề đa phong cách. Các cuộc triển lãm mỹ thuật mở theo định kỳ có giao lưu giữa các hoạ sĩ Hải Phòng và hoạ sĩ trong, ngoài nước đều rất thú vị, là chất xúc tác tốt để mỹ thuật Hải Phòng phát triển.

   Nhắc tới công việc này của Đặng Tiến, hoạ sĩ Thành Chương tỏ ra sôi nổi:
   -Trước tôi là người của Ban chấp hành hội Mỹ thuật Việt Nam nên hay về Hải Phòng tham dự các cuộc triển lãm mỹ thuật. Phong trào rất sôi nổi hiệu quả, kết nối tốt với các hoạ sĩ toàn quốc và bản thân Hải Phòng xuất hiện nhiều tài năng tâm huyết, không kèn cựa, đố kỵ nhau. Không khí đồng thuận vui vẻ. Có được điều đó là nhờ có người thủ lĩnh tốt. Công của Đặng Tiến lớn. Nhiều khi vì Đặng Tiến người ta về với Hải Phòng. 
   Đặng Tiến có một công lớn nữa là kết nối được một nhóm các mạnh thường quân yêu nghệ thuật ở Hải Phòng chống lưng, hỗ trợ các hoạt động. Đó cũng là một điểm quan trọng để mỹ thuật Hải Phòng phát triển mạnh. 
   Vậy về con người Đặng Tiến, ông nghĩ sao? 
   Con người ư, hoạ sĩ Thành Chương nồng nhiệt tiếp,
   -Ở Đặng Tiến có đặc biệt là dù gặp một lần hay chơi thân với Tiến đều nhận được một điều bất biến. Ấy là sự tử tế. Sự tử tế của một người hiền lành, sâu sắc và bản lĩnh. Tử tế bên ngoài sâu sắc bên trong. Và có sự kiên định. Một người có chính kiến sòng phẳng đàng hoàng. Mạnh mẽ và trung thực. Đó là con người Đặng Tiến.
   Con người Đặng Tiến? Nhà giám tuyển Trần Lương nhấn nhả: 
   -Là người dễ mến và quảng giao. Hình thức của Đặng Tiến có một chút “điệu đàng”của những nghệ sĩ modern art trường phái Paris những năm giữa của thế kỷ trước. Dáng vẻ hiền hoà lịch thiệp, nhưng thái độ xã hội lại rất rõ ràng thẳng thắn, đó cũng là cái hiếm và đáng trân trọng giữa dòng đời đa đoan này.
   Còn hoạ sĩ Đặng Xuân Hoà, ngỡ kiệm nhời mà thành ra đa nghĩa, đủ hiểu cái tình nặng của anh với người em thân thiết:
   -Đặng Tiến có cái hào sảng của người con đất biển. Lại có cái sâu lắng của người làm nghệ thuật. Nên tuy là người lặng lẽ, Đặng Tiến luôn là người tự hiểu mình. 
   Tự hiểu mình! Điều không hề dễ với bất cứ ai! Quả là những lời trân quí!
   Còn về nghề vẽ, cái nghề nhọc nhằn sung sướng hay thiêng liêng khắc khoải tự mỗi người mỗi chọn. Với Đặng Tiến là như nào?
   Hoạ sĩ Thành Chương, 
   -Về phong cách hội hoạ, Đặng Tiến tiêu biểu của Tự học - Cốt lõi của sự học. Bao người có bằng cấp học miệt mài không ra tác phẩm. Với Đặng Tiến, là điển hình của tự học và thành công. 
   Đặng Tiến rất rõ bút pháp về tinh thần con người. Tạo hình dung dị sang trọng mà gần gũi. Tạo ra một không gian buồn nhẹ thơ mộng dễ chịu. Tiến tìm được mẫu số chung trong nghệ thuật của mình. 
   Trong thị trường nghệ thuật, tác phẩm càng có giá trị nghệ thuật càng bán được cao. Tranh Đặng Tiến hợp với những không gian nhà sang trọng lãng mạn khiến nhiều người quan tâm nên đã thực sự đi vào đời sống hiện đại! 
   Nhà phê bình Lương Xuân Đoàn: 
   -Không chỉ về mặt tinh thần mà các sáng tác của Đặng Tiến cũng tạo ấn tượng và ảnh hưởng nhất định tới các hoạ sĩ khác. 
   Nói đến Đặng Tiến thì không thể quên được mảng tranh phong cảnh. Phong cảnh trong ký ức. Tiến biết cách đánh thức gọi ra ký ức của cả mình, cả người với ngôn ngữ thị giác bình dị, yên lặng. Xem tranh Đặng Tiến sẽ được nhận thêm năng lượng đẹp, nhẹ nhõm, cân bằng. 
   Bút lực của Tiến là giải quyết ánh sáng với các cấu trúc trong không gian khác nhau, cách tạo nét tinh tế đầy nhịp điệu của thiên nhiên. Đó là chưa kể tới các minh hoạ trên các báo và tạp chí bao năm qua đã đạt được khái quát cô đọng về hình ảnh, tiết chế của cảm xúc. 
   Tranh Tiến có ánh sáng nội tâm của tác giả. Khiến các nhân vât sinh động. Luân chuyển chuyển động của ánh sáng trên trời dưới nước.. Tạo nên hương vị độc đáo. Tranh Đặng Tiến đích thị là nghệ thuật đương đại.
   Đặng Tiến cũng có những lời giản dị khi nói về nghề của mình, 
   -Tôi cho rằng, người họa sĩ thấy hạnh phúc nhất khi được vẽ cái gì anh ta thích mà không phải câu nệ, bó buộc gì! Tôi thích một câu nói của bậc thầy nào đó, đại ý là: Vẽ gì không quan trọng, quan trọng là vẽ thế nào? Ông Van Gogh vẽ đôi giày rách cũng thành tuyệt tác mà! 
   Còn giám tuyển Trần Lương: 
   -Tranh của Tiến tĩnh lặng và trong vắt như vừa sau cơn mưa, hoà sắc cũng ấm áp, sáng sủa nhưng ẩn phía sau là tâm trạng mang mác và cô liêu.
   Điểm đặc biệt trong tác phẩm của Tiến là cách xử lý bề mặt các mảng mầu, phẳng, khúc triết và chuyển rất nhẹ! Vì thế mà tương quan đậm nhạt và hoà sắc giữa các mảng mầu càng cần được cân nhắc và phối hợp tinh tế hơn để có được tinh thần của không gian tổng thể. Đây là điểm khác so với đại đa số hoạ sĩ hiện đại Việt Nam vẫn luôn cố phát huy “nét bút” chồng chéo nhiều lớp để có được sự ẩn hiện và hỗ trợ của các lớp, chộp bắt vẻ xuất thần của một hành vi hay sự lung linh của các “vùng ven” giữa các lớp/nét.
   Tranh của Tiến vẫn ánh lên sự lung linh – của sáng sớm hay chiều tà – nhưng với cách xử lý điềm tĩnh và chủ động, như anh đã “bắt” được phần hồn của cảnh vật và vẽ nó từ trong lòng vẽ ra vậy. 
   Vẽ từ trong lòng vẽ ra? Âm giai vang vọng từ chính nội tâm mình? 
   Một con sông chảy bên ta suốt gần cả cuộc đời không còn chỉ là sông. Bởi khi đã thuộc từng cánh buồm mỗi sáng đi từ đâu, đã thuộc lòng từng ô cửa, từng mái nhà ven sông mỗi ngày mỗi cũ, từng góc bến, từng bậc gạch lên xuống va đập những âm thanh càng xưa càng nghe rõ thì dù bây giờ dòng sông ấy đang hiển hiện trước mắt, mỗi ngày mỗi mới, nó vẫn trọn vẹn là ký ức. Những ký ức ái ố hỷ nộ cả đời ta, cả đời cha mẹ thương yêu ta, những người thân ta... Nhắm mắt lại cũng vẫn là bến thuyền ấy, những cánh buồm ấy, những gương mặt ấy... Việc của một hoạ sĩ tài hoa là suy tưởng thật kỹ càng cả mầu cả nét để hoạ ra được những cảnh những tình trong tâm tưởng. Sông nước núi đồi chỉ là cái cớ. Vẽ cho mình mà không chỉ cho mình. Đặng Tiến làm được điều đó. Và tôi gọi anh là Người Vẽ Ký Ức!

   Mỗi người nghệ sĩ đều khao khát hội tụ cho mình ba cái riêng: cái riêng nghệ thuật của mình, cái riêng của dân tộc và cái riêng của nghệ thuật nói chung. Tôi chưa đếm Đặng Tiến kịp có mấy cái riêng nhưng đứng trước các bức tranh phong cảnh vẽ khổ to của anh luôn gây cho tôi cảm giác được thưởng thức một bản Symphony tràn ngập âm thanh hoà quyện cùng sắc mầu quyến rũ. Nhưng tôi vẫn đợi ở anh một bức tranh mới mẻ nào đó ngân vang lên như một bản Concerto. Ở đó sẽ có một mầu sắc đối nghịch chọi lại tất cả những sắc mầu còn lại. Như những đối âm của cây piano với cả dàn nhạc ... Đấu nhau để nâng nhau. Dìu dặt. Kích thích những rung cảm mãnh liệt hoàn hảo.

   Chỉ là bất chợt nghĩ thế! Chứ nếu vẽ khác đi đã chẳng là Đặng Tiến. Một Đặng Tiến tình cảm, kiên định. Một Đặng Tiến Symphony, ưa đánh thức ký ức của chính mình và mọi người bằng những nhẹ nhàng mà sâu lắng.

   Để sau tất cả, đọng lại từ Đặng Tiến là cái tình và cái tài. 
   Đủ làm nên sự tài tình của một người nghệ sĩ - hoạ sĩ !
_____________
Bài đăng trên Thời báo Văn Học Nghệ Thuật (21/1/2021)
_____________
Xem thêm:

2 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!