Những tượng đài tiền tỉ ở Việt Nam

T.Lê (Nguồn Vietnamnet)

Những tượng đài tiền tỉ vừa hoàn thành đã xuống cấp.
Với quan niệm phải to, phải khổng lồ và hoành tráng mới xứng tầm với vị thế của địa phương nên ở Việt Nam không khó để nêu tên những tượng đài trăm tỉ, nghìn tỉ vừa làm xong đã xuống cấp.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Quảng Nam)

Công nhân phải sửa lại nền gạch ngay khi công trình vừa khánh thành

Một tuần sau lễ khánh thành hoàng tráng, công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng với mức đầu tư hơn 410 tỷ đồng đặt tại xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã bị hỏng một phần nền gạch trước mặt tượng đài.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư dự án), nguyên nhân khiến nền gạch bị bong tróc là do trong quá trình tổ chức lễ khánh thành, lượng người quá đông và xe chở vật liệu làm sân khấu gây co giãn ở khe nhiệt dẫn đến hư hỏng chứ không phải do chất lượng công trình kém.


Khu tượng đài Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh)

Gạch đã ngổn ngang, đường đi nứt nẻ mà 6 năm nay công trình vẫn chưa hoàn thành

Khu tượng đài nhà yêu nước Phan Đình Phùng, đặt tại đồi thông nằm trên dãy Động Voi, thuộc xóm 3, thị trấn Vũ Quang (Hà Tĩnh) được khởi công xây dựng từ đầu năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 30,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đã gần 6 năm trôi qua, công trình khu tượng đài vẫn chưa hoàn thành. Và điều đáng nói là công trình đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng.
Ngay từ lối vào khu tượng đài, rất nhiều gạch đá ngổn ngang và đã có dấu hiệu bong tróc. Nhiều vết nứt và sụt lún xuất hiện tại các hành lang, cỏ dại mọc um tùm xung quanh do công trình đã "đắp chiếu" từ lâu. Nhìn qua, ai cũng nghĩ rằng đây là một công trình bỏ hoang.


Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (Lai Châu)

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ sụt lún do làm vội

Vào tháng 6/2004, khi tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (có tổng kinh phí giai đoạn 1 là 37 tỷ đồng, giai đoạn 2 trên 20 tỷ đồng) vừa được lắp ráp thì đoạn kè dài 20m trong khuôn viên tượng đã bị nghiêng ra phía ngoài, có chỗ còn lệch ra so với chân kè.
Và chỉ sau một trận mưa lớn đầu tháng 7/2004, 10m kè bằng đá bị đổ, kéo theo đó là nhiều điểm trên sân nền xung quanh tượng đài và một phần đường dành cho xe lăn của người khuyết tật đi lại bị sụt lún. Không chỉ vậy, bức tượng bằng đồng xuất hiện những vết rỗ, gỉ và xỉn màu.
Nguyên nhân phía đơn vị thi công là Công ty Mỹ thuật trung ương đưa ra là do bị ép tiến độ nên làm vội, làm tạm.
Sau đó, năm 2007, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng gồm trưởng, phó ban quản lý dự án, đơn vị thi công, đơn vị đúc đồng... về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản...


Tượng Phật đang thi công bất ngờ đổ sập


Ngày 7/7 vừa qua, khi đang trong quá trình xây dựng, bức tượng phật cao 45m tại chùa Sắc Thiên Vương Quan Âm (thôn Tô Xuyên, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã bất ngờ sập đổ hoàn toàn, “phơi ra” những thanh sắt chỉ nhỉnh hơn chiếc đũa và thân tượng đều được xây bằng gạch. Được biết, tượng phật này có kinh phí xây dựng từ nguồn xã hội hóa nên chưa tổng hợp được hết kinh phí xây dựng.


Tượng đài 25 tỉ đồng bị sét đánh vỡ vì không có cột thu lôi


Tượng đài văn hóa của thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) trị giá 25 tỉ đồng đã bị sét đánh vỡ phần chóp vào khoảng 5h sáng 16/5/2015. Một khối đá nặng hàng trăm kg từ độ cao gần 20m rơi xuống đất khiến hạng mục phía dưới của công trình cũng bị hư hại. 
Tuy nhiên, sau sự vụ trên, người ta mới phát hiện ra công trình tiền tỉ và có chiều cao dễ bị sét đánh lại không có cột thu lôi. Đặc biệt, mặt trước của đỉnh tháp bị nứt toác, trên thân tượng đài xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc, chân tượng đài có hiện tượng lún sụt với những kẽ hở lớn cho thấy chất lượng công trình kém.
--------------------

LĂNG MỘ VÀ TƯỢNG ĐÀI 
Võ Xuân Sơn
Hồi ấy, có một vị trí thức từ trần, người ta làm theo nguyện vọng của ông, kêu gọi không viếng vòng hoa mà thay bằng tiền phúng điếu, sau đó, người ta dùng số tiền đó làm từ thiện. Ba tôi rất thích cách làm này. Sau đó vài tháng, ba tôi mất đột ngột. Chúng tôi nhớ lại chuyện trước đây, và đã làm đúng theo ý thích của ba tôi.  
Ba tôi sinh ra ở Quảng trị, một tỉnh nghèo. Chúng tôi quyết định mang số tiền phúng viếng về xây dựng một trường mẫu giáo ở ngôi làng mà ba tôi được sinh ra. Khi về làng, mọi người thi nhau khoe họ này xây lăng, họ kia xây nhà mồ. Họ chỉ cho chúng tôi những nghĩa trang hoành tráng, và có ý khuyên chúng tôi dành tiền để xây lăng cho dòng họ. 
Khi còn sống, ba tôi đã về quê xây lại mộ cho ông bà nội tôi và cả ông bà nội của ba tôi, không hoành tráng nhưng trang nghiêm. Chúng tôi vẫn quyết định xây trường học. Cũng khá là khó khăn, thậm chí có lúc chúng tôi đã định mang tiền xây trường học cho nơi khác. Cuối cùng thì ngôi trường cũng được xây lên. 
Sau đó, gia đình tôi quyết định cấp học bổng toàn thời gian học đại học cho tất cả các cháu trong họ thi đậu đại học. Chương trình kéo dài được 8 năm. Chúng tôi rất mừng là cũng đã có một người khác chi tiền xây hàng rào cho trường học, và một vài khoản tiền được đóng góp cùng chúng tôi cho quĩ khuyến học dành cho các cháu phổ thông, mặc dù phần lớn số tiền đổ về quê chỉ là để xây lăng mộ, xây nhà thờ họ, xây cổng chào… 
Có nhiều lí do để chúng tôi ngưng chương trình cấp học bổng. Một trong các lí do đó là khi về quê, thấy quê còn rất nghèo, chúng tôi muốn làm điều gì thiết thực, như hỗ trợ cho các cháu học sinh nghèo, nhưng nhiều người trong họ lại chỉ muốn chúng tôi đãi họ bia rượu. 
Tôi sinh ra ở miền Bắc, ba tôi cũng rời khỏi quê từ năm 4 tuổi, nên hiểu biết của tôi về quê không nhiều. Những năm đó, tôi khám phá ra nhiều điều về quê mình. Ở đó có thánh địa La Vang. Nghe nói trên thế giới chỉ có hai nơi Đức Mẹ hiện hình, La Vang là một trong hai nơi đó. Hàng năm, có rất nhiều người trên thế giới hành hương đến đây. 
Quảng trị có những bãi biển Cửa Việt, Cửa Tùng hoang sơ tuyệt đẹp, có những di tích chiến tranh như Thành Cổ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, cầu Hiền lương... Cách vài chục cây số là hệ thống hang động Phong Nha Kẻ Bàng. Cách vài chục cây số về hướng nam là cố đô Huế. Nếu khéo sử dụng địa điểm quí hơn vàng cho du lịch có sẵn là Thánh địa La Vang với số lượng khách hành hương có thể lên tới hàng triệu người mỗi năm làm đòn bẩy, Quảng trị có thể sẽ là một điểm nóng du lịch của thế giới, cho cả loại hình du lịch chiến tranh, du lịch di tích, lẫn du lịch phong cảnh. Hiếm có nơi nào trên thế giới được như vậy. 
Nhưng không, một lần gặp người bạn, anh ấy than mệt quá, vì phải coi chừng cái đám La Vang. Thì ra đó là dịp lễ, người ta hành hương đến La Vang, và các anh phải theo dõi xem họ có làm gì chống phá nhà nước không. Tôi hết sức ngạc nhiên khi biết tỉnh chủ trương hạn chế bớt khách hành hương đến La Vang. 
8 năm trời, tôi không thể nào hiểu nổi, tại sao gần như không có ai thoát khỏi nghèo ở ngôi làng bé nhỏ quê tôi, trong khi những người đi khỏi làng đa số đều thành đạt. Vậy mà họ không mong muốn đầu tư cho tương lai, chỉ muốn xây lăng mộ, xây nhà thờ họ, xây cổng chào hoành tráng? Tôi cũng không thể hiểu tại sao ở đó, người ta có thể coi một cái “máy sản xuất vàng bạc, kim cương” là một mối nguy hiểm, muốn hạn chế nó hoạt động, mà lại bỏ ra hàng chục ngàn tỉ đồng để thu hút khách du lịch nghèo từ Lào. 
Và bây giờ, tôi cũng thật sự không hiểu, tại sao nợ công đang là mối nguy hiểm treo lơ lửng trên đầu chúng ta, tại sao trong khi còn bao nhiêu người dân sống dưới mức nghèo khổ, bao nhiêu trẻ phải ăn cơm không có thịt, mà người ta lại muốn bỏ ra 1.400 tỉ để xây cái tượng đài. Nghe nói họ còn đòi xây tới 58 cái tượng đài. Không lẽ, họ muốn cả đất nước này mãi nghèo như cái làng quê tôi, bằng lòng với sự đói nghèo và tự hào với những lăng mộ hoành tráng? Hay để họ có thêm cơ hội trục lợi, mặc cho việc đó có thể đẩy cả dân tộc này vào thảm họa?

Cùng chủ đề:

1 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!